Các nhà sản xuất giày Trung Quốc đã mất 30% các đơn đặt hàng giày với các nhà máy Đông Nam Á kể từ năm 2008 do chi phí sản xuất gia tăng, Hiệp hội giày dép châu Á (AFA) cho biết.
Ông Lý Bằng, Tổng thư ký của AFA cho biết, chi phí lao động của Trung Quốc ngày càng tăng mạnh sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Tiền lương của các nhà sản xuất giày Trung Quốc tăng 3,5 lần từ năm 2003 đến năm 2013.
Cùng với các chi phí khác tăng lên, các nhà máy giày Trung Quốc đã mất lợi thế về giá. Theo ông Lý, một nửa số công nhân trong nhiều nhà máy tại Đông Quan, tỉnh Quảng Đông phía Nam Trung Quốc đã rời bỏ ngành này.
Chi phí lao động cao, gần như gấp đôi so với khu vực Đông Nam Á, là vấn đề lớn nhất đối với các nhà sản xuất giày Trung Quốc.
Người phụ trách của nhà sản xuất Nike cho biết, tiền lương hàng tháng của người lao động trong khu vực ven biển đông của Trung Quốc khoảng 500 USD, và người lao động Indonesia vào khoảng 300 USD. Công nhân Việt Nam chỉ khoảng 250 USD. Các nhà máy giày có thể tiết kiệm 2.000-3.000 USD/năm về chi phí lao động mỗi công nhân bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á. Phần lớn nguyên liệu làm giày khu vực Đông Nam Á được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên liệu này được miễn thuế do thiết lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc.
Pou Chen Group – nhà máy sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, sản xuất các thương hiệu quốc tế lớn như Nike, Adidas, và Reebok. Năm ngoái, Pou Chen đã chuyển giao phần lớn sản xuất từ Trung Quốc sang Indonesia và Việt Nam, và năm 2013, công ty tiếp tục điều chỉnh sự phân bổ năng lực sản xuất tại Trung Quốc đại lục, Indonesia và Việt Nam để đạt được một sự cân bằng.
Thống kê mới đây bởi Pou Chen cho biết rằng, công ty có 204 dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc đại lục vào cuối năm 2012, giảm so với 255 vào cuối năm 2011. Trong khi đó, dây chuyền sản xuất tại Indonesia và Việt Nam đã tăng từ 134 lên 157 và 140 lên 156 theo thứ tự lần lượt.
Không giống như nhà sản xuất giày khổng lồ Pou Chen, các doanh nghiệp sản xuất giày nhỏ và vừa không có khả năng thiết lập nhà máy ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này chịu nhiều áp lực từ chi phí lao động cao hơn và mất các đơn đặt hàng. Trong mấy năm gần đây, một loạt doanh nghiệp sản xuất giày dép ở Đông Quan và các thành phố khác ở Trung Quốc đại lục đã phải đóng cửa.
Ông Lý Bằng cho biết rằng, nếu các nhà sản xuất giày Trung Quốc không chú ý đến tình hình các đơn hàng bị mất, nhiều nhà máy giày tại khu vực ven biển Trung Quốc sẽ đóng cửa hoặc chuyển giao trong vòng 10 năm, như vậy sẽ có tác động rất lớn đến hơn 19 triệu người lao động trong ngành này.
Lefaso.org.vn